ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ CAO TỐC BUÔN MA THUỘT - NHA TRANG BẰNG VỐN CÔNG

Chủ nhật - 14/11/2021 22:18
ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ CAO TỐC BUÔN MA THUỘT - NHA TRANG BẰNG VỐN CÔNG
ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ 17.435 TỶ ĐỒNG XÂY DỤNG CAO TỐC KHÁNH HÒA - BUÔN MA THUỘT BẰNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG.

Tuyến cao tốc nối khu kinh tế trọng điểm Vân Phong với Buôn Ma Thuột - trung tâm vùng Tây Nguyên có chiều dài 118 km, sẽ được đầu tư bằng vốn đầu tư công.
Ban quản lý dự án 6 vừa trình Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
 
Một đoạn Quốc lộ 26 - tuyến giao thông chủ đạo kết nối Khánh Hòa và Buôn Ma Thuột.
Một đoạn Quốc lộ 26 - tuyến giao thông chủ đạo kết nối Khánh Hòa và Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Báo Khánh Hòa).























 

Tuyến đường cao tốc dài 118 km này có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1A, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại điểm giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột (cao tốc Bắc Nam phía Tây), thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có quy mô  làn xe.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phân kỳ, Dự án được đề xuất đầu tư quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, hoàn thiện quy mô 4 làn xe tại thời điểm thích hợp; riêng hầm xây dựng 2 ống riêng biệt, trước mắt hoàn thiện để khai thác 1 ống, ống còn lại hoàn thiện tại thời điểm đầu tư hoàn chỉnh 4 làn theo quy hoạch.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, Dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột từ điểm đầu tuyến đi về phía Tây sau khu vực đèo Bánh Ít, tuyến đi giữa quy hoạch thị xã Ninh Hòa qua xã Ninh Đông cắt đường sắt Bắc - Nam, sau đó tuyến cắt đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Tuyến tiếp tục đi về phía Tây qua eo Vòng Kên Kên, cách di tích sân bay Dục Mỹ khoảng 1,5km và đi sát với trường huấn luyện sỹ quan xã Ninh Sim, rẽ trái cắt Quốc lộ 26, sau đó men theo khu vực phía Bắc chân núi Hòn Lai, Ba Bay... đến giáp ranh hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk tại khoảng Km33+200.

Tuyến tiếp tục đi chếch theo hướng Tây Bắc chạy dọc phía phải dòng sông Chò, đi về phía Nam hồ Krông Pách Thượng, tiếp tục đi về phía Bắc hồ Ea Rớt giao cắt với TL.699 tại Km78+500; cắt với TL.689B tại Km91+800; cắt TL.9 tại Km101+700. Từ TL.9 tuyến đi theo hướng Đông Bắc tới trước cổng Trúc Lâm Từ Giác thiền viện, đi sát mép phía Nam hồ Ea Ly Thượng (Km105-Km107), tuyến rẽ trái chuyển hướng Tây cắt TL.10 kéo dài tại Km118+450, sau đó đi thẳng tới huyện Krông Pắk khoảng Km120+950 rồi về cuối tuyến tại khoảng Km12+450/đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.038ha, trong đó: đất trồng lúa 2 vụ khoảng 90ha, đất nông nghiệp khác khoảng 378ha, đất ở khoảng 177ha, rừng sản xuất khoảng 342ha, đất khác khoảng 49ha; diện tích chiếm dụng rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng: tổng diện tích chiếm dụng rừng khoảng 342ha, bao gồm: Đắk Lắk (321,7ha), Khánh Hòa (20,3ha).

Với phương án đầu tư nói trên, Dự án có tổng mức đầu tư 17.435 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 12.300 tỷ đồng, chi phí GPMB là 2.038 tỷ đồng…

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội về thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP, trước hết là hình thức hợp đồng BOT, việc triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP là cần thiết.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án 6, đối với dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, việc đầu tư theo hình thức PPP là khó khả thi do hiệu quả kinh tế khi đầu tư dự án theo phương thức PPP là không cao, khó thu hút được Nhà đầu tư. Vì vậy, đơn vị lập dự án kiến nghị đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn NSNN.

 Nếu đề xuất này được thông qua, Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư: 2021-2023; thực hiện đầu tư: 2024 – 2027.

Do đặc điểm địa hình nên việc kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ bằng các loại hình giao thông đường thủy, đường sắt và đường hàng không rất hạn chế và khó có khả năng phát triển, chủ yếu và chỉ có tiềm năng để phát triển giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, hiện trạng giao thông đường bộ cũng chỉ tập trung ở các trục dọc hai đầu là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, các trục ngang thiếu về mật độ; yếu về quy mô, cấp hạng (đa số cấp IV - III miền núi) và hạn chế do trở ngại đèo dốc quanh co (đèo Lò Xo trên Quốc lộ 14B nối Đà Nẵng - Kon Tum, đèo Vi ô lắc, Măng Đen trên Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi - Kon Tum, đèo An Khê, Măng Yang trên Quốc lộ 19 nối Bình Định - Gia Lai, đèo Tô Na, Chư Sê trên Quốc lộ 25 nối Phú Yên - Gia Lai, đèo Phượng Hoàng trên Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa - Đắk Lắk, đèo Khánh Lê trên Quốc lộ 27C nối Khánh Hòa - Lâm Đồng, đèo Ngoạn Mục trên Quốc lộ 27 nối Ninh Thuận - Lâm Đồng, ...); là trở ngại không nhỏ cho việc phát triển kinh tế xã hội, lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa và du lịch giữa 2 khu vực.

Do đó, việc đầu tư tuyến cao tốc nối khu kinh tế trọng điểm Vân Phong với Buôn Ma Thuột - trung tâm vùng Tây Nguyên được đánh giá là cần thiết và cấp bách, ưu tiên đầu tư sớm nhất trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn tin: Thao báo đầu tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây